Tự Đăng Minh - Pháp Đăng Minh & Nhật Nguyệt Đăng Minh
. Thích Tâm Thiện
Trên con đường tu tập, có nhiều pháp môn-phương tiện khác nhau. Tuy vậy, để có thể đi đến thành tựu, pháp môn nào cũng cần có hơi thở của chánh niệm, tỉnh thức, vì đó là những yếu tố tạo nên ánh sáng giác ngộ từ nội tâm. Ánh sáng tự nội ấy luôn là nền tảng thăng hoa trong thế giới tâm linh Phật giáo. “Tự đăng minh, Pháp đăng minh”, và “Nhật Nguyệt Đăng Minh” là những điểm giáo huấn đặc thù về ánh sáng tự nội được trình bày trong kinh tạng từ Nguyên thủy đến Đại thừa.
Kinh tạng Nguyên thủy ghi lại rằng, trước lúc Đức Phật nhập niết bàn, tôn giả A-nan và hàng đệ tử đã vô cùng sầu muộn, nghĩ rằng sau khi Như Lai diệt độ sẽ không còn nơi nương tựa cho đời sống tâm linh nữa. Các vị lo âu về sự ra đi của đấng cha lành, vì bóng mát đại từ của thế gian rồi đây sẽ không còn hiện hữu. Trước những tâm thái như vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này A-nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình nương tựa chính mình (attàsaranà). Dùng chánh pháp làm ngọn đèn (dhamma dipà), dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác…” Đó là lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước giờ Niết bàn. Lời dạy tuy rất ngắn gọn nhưng nó được xem là một di giáo tâm linh vĩ đại, chuyên chở tinh hoa của triết lý giác ngộ và đời sống tịch tịnh.
Bước đầu tu tập, bao giờ chúng ta cũng cần một nơi nương tựa, một vị đạo sư, vị thầy đưa đường dẫn lối. Nương tựa đạo sư, dĩ nhiên, không phải là tìm nơi để gởi gắm tâm tư hay khát vọng. Mục đích của việc nương tựa đạo sư là để cầu pháp tu hành, thọ học các giáo huấn và nương theo đạo hành của tôn sư, rồi từ đó, tự mình thăng chứng cõi ngộ cho chính mình. Lời dạy sau cùng của Đức Phật chỉ rõ hai khía cạnh thiết yếu của sự nương tựa (viharatha), đó là Tự đăng minh (atta-dipà) “Hãy là ngọn đèn cho chính mình”, và Pháp đăng minh (dhamma dipà) “Dùng chánh pháp làm ngọn đèn”. Trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo, hai yếu tính này luôn là giáo huấn quan trọng làm nền tảng cho mọi trú xứ tâm linh.
Bước sang thế giới của Đại thừa, đặc biệt ở kinh Pháp Hoa, một lần nữa chúng ta gặp lại giáo huấn thiêng liêng đó qua hình ảnh Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh (Candrasūryapradīpa). Theo quan điểm lịch sử của Đại thừa, trong những năm cuối đời, khi sắp mãn duyên giáo hoá ở cõi Tà-bà, dù tuổi đã cao, Đức Thế Tôn vẫn quyết định giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đỉnh núi Linh Thứu, “Ngài sẽ tuyên nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn, đánh trống pháp lớn, và diễn pháp nghĩa lớn”. Những biểu từ trên được mô tả trong chương đầu (Tự Phẩm) của kinh là sự báo hiệu rằng pháp hy hữu chưa từng có sắp được Thế Tôn tuyên thuyết. Pháp hy hữu ấy chính là kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Mở đầu phần Tự Phẩm, chương thứ nhất, kinh giới thiệu truyền thống giác ngộ của các vị cổ Phật trong quá khứ, các Ngài tuần tự thọ ký cho nhau thành Phật với hai mươi nghìn Đức Phật cùng đồng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh (Candrasūryapradīpa), và cùng đồng một họ Phả-la-đoạ (Bharadvàya). Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau cùng, lúc chưa xuất gia có tám vị vương tử. Khi hay tin vua cha xuất gia thành đạo, tám vị vương tử cũng xin xuất gia tu học, về sau tất cả đều thành Phật, vị thành Phật sau cùng hiệu là Nhiên Đăng (Dìpamkara), tiền kiếp là thầy của Đức Thích Ca Như Lai.
Về ý nghĩa, nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng, đăng là đèn, minh là ánh sáng. Như vậy, Nhật Nguyệt Đăng Minh có nghĩa là ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, và ánh sáng của đèn. Để nguồn sáng thường hằng liên tục, nơi nào ánh sáng mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến thì cần có ánh sáng của đèn. Cũng vậy, đối với danh hiệu của Đức cổ Phật Nhiên Đăng, nhiên là thắp sáng, đăng là đèn; danh hiệu Nhiên Đăng, do đó, có nghĩa là vị Phật thắp lên ngọn đèn chánh pháp. Thông qua ý nghĩa của Phật hiệu cũng như sự nối tiếp rất đặc trưng của hai mươi nghìn Đức Phật cùng đồng hiệu cho thấy các giá trị tâm linh và năng lực nhiệm mầu nó luôn gắn liền với ánh sáng tự nội trên cung đường giác ngộ. Ở đây, kinh nhấn mạnh đến chi tiết hai mươi nghìn Đức Phật tuần tự thọ ký cho nhau và cùng mang một Phật hiệu giống nhau là dấu ấn nổi bật, nhằm bày tỏ yếu tính của sự giác ngộ, cái làm nên truyền thống giác ngộ của chư Phật. Yếu tính đó chính là tuệ giác nội tại, một loại ánh sáng chỉ xuất hiện trong tâm thức cá thể nhưng được ví như là ánh sáng của mặt trời rực rỡ giữa ban ngày, mặt trăng huyền diệu giữa ban đêm, hay là ánh sáng của đèn xoá tan mịt mù nơi tăm tối. Vì đó là thành quả của quá trình tư duy thiền định, gội rửa phiền não, và tịnh hoá nội tâm. Trên bình diện lịch sử-tư tưởng, điều này cũng hiển lộ sự nối kết tương thừa của truyền thống “truyền đăng tục diệm”, nối dài từ thời Phật giáo Nguyên thủy đến Phật giáo Đại thừa, hay nói khác đi là từ Tự đăng minh, Pháp đăng minh cho đến Nhật Nguyệt Đăng Minh.
Điều thú vị ở đây là khi nói đến Nguyên thủy, chúng ta nói đến giai đoạn khởi nguyên của lịch sử Phật giáo cách đây hơn 2,600 năm. Nhưng kinh Pháp Hoa nói đến khái niệm nguyên thủy rất khác, một loại nguyên thủy vượt thời gian, nó lâu xa hơn cả khái niệm nguyên thủy mà chúng ta quan niệm, nếu không muốn nói đấy là một loại nguyên thủy-vĩnh hằng. Kinh ghi rằng: “Vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp về trước, có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh diễn nói chánh pháp. Ban đầu, giữa, rốt sau ba thời đều lành, nghĩa lý rất sâu xa, lời lẽ khéo mầu, thuần một không tạp, đầy đủ các tướng phạm hạnh thanh bạch. Ngài vì hàng Thanh văn, nói pháp Tứ đế; vì hàng Duyên giác, nói pháp mười hai Nhân duyên; vì hàng Bồ tát nói sáu pháp Ba-la-mật làm cho thành tựu Vô thượng chánh giác. Kế đến, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, và như thế đến hai mươi nghìn Đức Phật đều cùng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, tuần tự thọ ký cho nhau, những pháp được nói ra, đầu, giữa, sau đều lành.”
Thuật ngữ A-tăng-kỳ ở đây chỉ đến một khoảng thời gian rất dài, dài đến vô hạn, vô lượng, vô biên, vô số kiếp, không thể tính đếm được. Kinh nói rằng, Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai cuối cùng (trong số 20,000 Đức Phật đồng hiệu) sau khi xuất định, vì Bồ tát Diệu Quang, đã giảng kinh Pháp Hoa suốt sáu trăm nghìn năm. Với thời gian dài lâu như thế, dù chỉ trong ý niệm, rõ ràng khái niệm nguyên thủy của 2,600 năm quả thực là ngắn ngủi. Tuy nhiên, vấn đề không nhằm chỉ đến thời gian, hữu hạn hay vô cùng, điều đáng chú ý ở đây là bản thể của ánh sáng-giác ngộ, hay nói khác hơn là nguồn mạch tâm linh đích thực của Phật giáo trong cái nhìn của Pháp Hoa. Mô tả đặc trưng về hai mươi nghìn Đức Phật cùng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng gợi lên những ý nghĩa sâu xa về tính chất siêu việt của khả tính giác ngộ cũng như cái chân lý được chứng ngộ bởi chư Phật trong quá khứ. Quả thật, dù xưa hay nay, chân lý chỉ có một. Cũng vậy, tính chất giác ngộ của chư Phật trong quá khứ và hiện tại cũng chỉ có một, đấy là ánh sáng chiếu diệu từ nội tâm, hay còn gọi là tự giác thánh trí. Cái nôi của chánh pháp nằm ở đó. Tịnh độ hay niết bàn cũng phát sinh từ đó. Thiếu vắng ánh sáng giác ngộ từ nội tâm, cuộc hành trình tâm linh của hành giả sẽ biến thành mông lung mây khói!
Trước khi thuyết kinh Pháp Hoa, Đức Thế Tôn phóng một luồng hào quang giữa đôi chân mày xuyên suốt mười tám nghìn thế giới ở phương đông. Thính chúng nương vào ánh quang minh của Ngài có thể nhìn thấy sự thật trong toàn chân pháp giới, từ địa ngục A-tỳ cho đến trời Sắc-cứu-kính, thấy rõ sự sinh tử luân hồi của chúng sinh trong các cõi, cho đến thấy rõ tiến trình tu hành thành Phật. Luồng ánh sáng từ lông trắng giữa đôi chân mày biểu thị cho năng lực vô cùng của Phật huệ-tri kiến Phật. Đức Phật xác định rằng cái năng lực của tri kiến ấy không chỉ có riêng ở Đức Phật mà nó cũng có mặt bình đẳng ở bất kỳ chúng sinh nào. Như mặt trời toả chiếu khắp thế gian, khi Phật huệ có mặt thì vạn pháp đều được soi sáng rạng ngời, phơi bày một cách không ngăn ngại, phơi bày như là chính nó, từ sinh tử cho đến Niết bàn. Đức Thế Tôn vì thương xót chúng sinh ở đời hiện tại và vị lai nên đã dùng ánh quang minh của Ngài để hiển thị toàn cảnh pháp giới dung thông, đồng thời dắt dẫn thính chúng thể nhập vào nhất chân pháp giới, một thế giới vượt lên trên mọi héo hắt của thời gian và không gian, vượt lên trên mọi cách biệt thánh phàm. Ánh sáng linh diệu từ cõi ngộ ấy bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng là suối nguồn tâm linh vô tận, nó luôn mang đến cho hành giả một sức sống mãnh liệt, diệu thường dù ở chốn trần lao.
Thật vậy, bóng tối không thể xoá nhoà bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể diệt trừ bóng tối cho dù nó đã trú ngụ đâu đó cả nghìn năm. Trong cõi vô minh với đôi mắt mù loà, chúng sinh vẫn mãi miết thăng trầm trong ba cõi. Vì vậy con đường thoát ly sinh tử khổ đau chính là sự trở về phát huy ánh sáng giác ngộ từ nội tâm. Đấy là mục tiêu tối hậu của Phật giáo, và đấy cũng là tiếng nói thiêng liêng của chư Phật: “Tự đăng minh, Pháp đăng minh” và“Nhật Nguyệt Đăng Minh”.
Nam Mô Cửu Viễn Thật Thành Đại Ân Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Quá Khứ Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật.
Tu viện Thượng Hạnh,
Mùa Đông, Dallas, 2020